Yêu thương cho đi là yêu thương còn mãi…
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết lên những nốt nhạc: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì, em biết không, để gió cuốn đi”. Có thể trước mắt chúng ta là những bầu trời trong xanh, mỗi sáng thức dậy có thể hòa mình vào cuộc sống tươi đẹp, nghĩ về những điều hạnh phúc. Nhưng bạn biết không, ở đâu đó trên khắp tổ quốc này, có những người mỗi ngày đều sống trong bóng tối, về nỗi lo gánh nặng cuộc sống… Nếu không thử một lần rời phố thị chật chội để về các vùng quê còn nghèo, người trẻ chúng ta sẽ khó có cơ hội hiểu rõ được đời sống thực tế của những cuộc đời, những mảnh đời cực khổ.
Thật vậy! Tôi đã khóc khi nhớ về chuyến đi thiện nguyện vừa qua…
Một ngày gần cuối năm 2019, cũng như những năm trước, mọi người đều hối hả với công việc, với những báo cáo. Nhưng gác lại bao lo toan bận rộn đó, công ty chúng tôi tìm đến với con đường tình nguyện. Quyết định này được đề ra bởi Ban Giám Đốc, chính điều này làm cho tập thể nhân viên của công ty rất háo hức. Chuyến đi thiện nguyện được phối hợp giữa Công ty cổ phần sản xuất thương mại dịch vụ Vững Tín và tập thể Công ty TNHH Công nghệ Trung Sơn cùng rất nhiều tấm lòng hảo tâm khác. Quá trình chuẩn bị mất hơn 2 tuần, từ việc chọn địa điểm cho đến các hoạt động bên ngoài kêu gọi sự quyên góp quần áo, hiện vật,… mọi thứ đều được lên kế hoạch cụ thể để đảm bảo chuyến đi được trọn vẹn nhất.
Một buổi sáng sớm cuối tháng 12, trời còn hơi sương và không khí se lạnh, nhưng 16 con người mang trong mình trái tim ấm áp, nhiệt huyết cùng hướng về địa điểm yêu thương. Quà bánh, quần áo và nhiều món quà khác được nhanh chóng di chuyển lên xe, không khí bỗng dưng nóng lên hơn bao giờ hết.
Xe lăn bánh và chúng tôi mất hơn 6 tiếng để đến được địa điểm làm thiện nguyện, quãng đường tuy xa những tất cả mọi người đều rất nhiệt huyết và mong đợi về chuyến đi tình nguyện. Điểm đến được lựa chọn lần này chính là Trại phong Di Linh, nằm trên một ngọn đồi nhỏ ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Mặc dù có tên rõ ràng là Trung tâm điều trị phong Di Linh, nhưng người ta vẫn quen gọi với cái tên “làng cùi”. Làng được thành lập vào năm 1929 bởi Giám mục người Pháp Cassaigne (1895-1973). Tính đến nay, làng đã tròn 90 tuổi. Ngôi làng này là nhà của nhiều người, một ngôi nhà lớn bao bọc và chở che những mảnh đời thiếu may mắn, giúp họ vượt qua những kí ức đau thương về căn bệnh “hủi”.
Bước xuống xe, tận mắt chứng kiến và gặp gỡ từng cụ già, từng đứa trẻ,… mới thấy hết được những đau thương mà họ phải gánh chịu. Mọi người đã tập trung đông đủ như chỉ đợi đoàn xe của chúng tôi đến, trên lưng họ đeo những chiếc gùi, tôi ngỡ ngàng khi tưởng mọi người đi nương, đi rẫy nhưng không phải. “Nghe thông báo hôm nay có đoàn từ thiện ở TP Hồ Chí Minh lên nên mọi người mang theo gùi to để đến nhận quà đấy”, một sơ cười hồn hậu giải thích.
Các phần quà nhanh chóng được di chuyển xuống xe và được sắp xếp gọn gàng. Không khí trở nên vui vẻ và háo hức, nụ cười nở trên môi của những người dân trong làng làm cho mỗi người trong đoàn chúng tôi đều cảm thấy ấm áp. Có ai đó đã từng nói rằng: “Với thế giới, bạn chỉ là một người bình thường, nhưng với riêng một người nào đó, bạn có thể mang lại cho họ cả thế giới”. Và kỳ diệu thay, người đầu tiên nhận được sự cho đi của bạn – không ai khác – đó chính là bản thân bạn. Bản thân mỗi người chúng ta có thể ban tặng chính mình một điều gì đó và cũng có thể nhận lại một điều gì đó từ chính mình. Đúng là như vậy. Được tận tay trao những món quà đến tay các cụ già, các em nhỏ giống như mình đã tiếp thêm chút sức mạnh cho họ vượt qua những hoàn cảnh của bản thân để có thể ước mơ đến những điều tốt đẹp hơn.
Tôi chạnh lòng khi nhìn thấy một bác gái bị thiếu mất đôi bàn tay. Bác vẫn cười tươi, vai mang gùi nhận những món quà và đỡ lấy những món quà khác khi các bạn trong đoàn đưa cho. Bác còn mỉm cười cảm ơn mọi người và bước đi. Khoảnh khắc đó làm đoàn chúng tôi vô cùng khâm phục nghị lực của của người dân nơi đây và họ thật sự xứng đáng được yêu thương nhiều hơn. Có những cụ già lưng đã gù, tay chân đã yếu dần nhưng khi nghe tin có đoàn đến các cụ vẫn vui vẻ đến để gặp gỡ, cho nhau những cái bắt tay, cái ôm chan chứa tình người. Chính những điều đó đã giúp chúng tôi tiếp thêm năng lượng, sức mạnh và tin tưởng về những điều tốt đẹp ở phía trước. Buổi trao quà diễn ra sôi nổi, mọi người xếp hàng theo thứ tự và trao nhau những ánh mắt ấm áp tình người.
Những món quà nhỏ đã lần lượt được trao đến tay từng gia đình. Trời cũng đã gần trưa và mọi người cũng đã trở về nhà của mình để tiếp tục với công việc. Trại phong Di Linh 2 là khu của các hộ gia đình có khả năng lao động, cách khu người già khoảng 20 km. Ở đây, mức độ tàn tật của các bệnh nhân phong ít hơn, tay chân đỡ hơn nên họ có thể canh tác trồng trọt, cắt tỉa, chăm sóc, trồng cà-phê, trồng rau… để có thêm thu nhập. Những người có khả năng lao động được cấp cho những căn nhà ở trong khu vực của làng, những cụ già và người tàn tật thì được chăm sóc tại bệnh xá.
Trong khoảng thời gian nghỉ ngơi và chờ đợi trở về lại Sài Gòn, đoàn chúng tôi được các Sơ dẫn đi thăm một số cụ già bị bệnh và thăm quan xung quanh đó. Khuôn viên của trại Phong rộng rãi, thiên nhiên mát mẻ, và điều làm tôi ấn tượng hơn cả chính là sự sạch sẽ của nơi này. Từng dãy hành lang, con đường và các phòng bệnh, phòng ăn,… mọi thứ đều ngăn nắp, chỉn chu và gọn gàng. Chính điều này lại càng làm chúng tôi quý trọng tấm lòng của các Sơ ở đây nhiều hơn. Chính sự yêu thương, đùm bọc và tấm lòng cao cả của những con người chịu rời bỏ phố thị phồn hoa để lùi về những nơi điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhằm mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh là những điều đáng quý hơn bao giờ hết.
Chúng tôi trở về nhà chính để cùng uống nước và trò chuyện. Các Sơ rất tận tình và kể cho đoàn nghe những câu chuyện về những người trong làng cũng như những câu chuyện cảm động. Đó chắc hẳn là quãng thời gian ấm áp lưu luyến nhất mà chúng tôi từng có.
Trời cũng đã trưa và đã đến lúc mọi người phải nói lời tạm biệt. Cả đoàn cùng chụp với nhau tấm hình kỷ niệm và nhanh chóng lên xe trở về với những dự định sắp tới. Xe lăn bánh cũng là lúc trong lòng mỗi người chúng tôi đọng lại những cảm xúc thật khó tả. Có những giọt nước mắt đã rơi, cũng có những niềm vui không nói nên lời, tất cả cảm xúc ấy đều tiếp thêm cho chúng tôi những hy vọng, hy vọng rằng cuộc sống tương lại của họ sẽ tốt đẹp hơn. Hy vọng về những chuyến đi ấm áp tình người tiếp theo sẽ giúp cho những mảnh đời khác có thể dám ước mơ, dám hoài bão về cuộc sống hạnh phúc mà họ đáng được nhận.
Chuyến xe trở về lại Sài Gòn, hành trình tạm khép lại và mọi người tiếp tục với công việc cũng như những dự định mới. Chắc hẳn sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ còn viết thêm những giấc mơ mới, những chuyến đi mới để cùng san sẻ những tấm lòng yêu thương đến mọi người xung quanh. Qua bài viết này, tôi mong rằng yêu thương sẽ được lan tỏa, thông điệp “Tình trao đi – yêu thương nhận về” sẽ được gửi gắm đến những ai có tấm lòng hảo tâm và giúp đỡ những mảnh đời còn khốn khổ.
Hành trình này sẽ còn viết tiếp về sau…